Vị trí trước cổng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất đang được TP HCM đề nghị được áp dụng cơ chế chỉ định thầu để xây cầu vượt thép, nhằm sớm giải tỏa nút ùn tắc giao thông - Ảnh: Hoàng Minh |
Để “giải cứu” các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất khỏi cảnh ùn tắc, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất triển khai 5 dự án, công trình khẩn cấp. Tuy nhiên, các công trình này chưa thể triển khai và khó hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2017 vì vướng cơ chế.
Thót tim khi đến… sân bay
Anh Phan Anh Quỳnh nhà ở đường Âu Cơ (Q. Tân Bình), hành khách đi chuyến bay lúc 19h10, ngày 4/10 của Vietnam Airlines cho biết, phải mất gần hai giờ mới đến được sân bay dù đoạn đường chỉ hơn 2km. Khi đến vòng xoay công viên Hoàng Văn Thụ, nhìn cảnh hàng trăm xe ô tô xếp hàng ken kín đường, anh Quỳnh phải xuống taxi, trả thêm 100 nghìn tiền xe ôm để đi qua đoạn ùn tắc. “Vào đến nhà ga, tôi phải xin cho lên trước để làm thủ tục, chậm 5 phút nữa coi như khỏi bay”, anh Quỳnh cho biết.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Quản lý giao thông Sài Gòn, tốc độ lưu thông trung bình của các phương tiện trên tuyến đường Trường Sơn và một số tuyến đường lân cận sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 19km/h, giờ cao điểm chỉ đạt từ 6 - 10km/h. |
Chị Nguyễn Thị Huyền, nhân viên văn phòng làm việc ở Q.1, cho hay, hai tuần trước có việc gấp phải bay từ Tân Sơn Nhất lên Buôn Ma Thuột, chị đặt vé lúc 18h15. Từ 16h, chị đã vội vã đi ô tô từ Q.1 ra sân bay sớm vì sợ chiều mưa có thể kẹt xe. Vừa tới đầu đường Nguyễn Văn Trỗi (Q. Phú Nhuận) trời đã mưa to. Dòng xe ô tô bắt đầu ùn ứ, khi đến công viên Hoàng Văn Thụ (Q. Tân Bình) đã 17h.
Vì trời mưa tầm tã, đồ đạc nhiều nên chị Huyền cố gắng đi ô tô vào sân bay. Nhưng khi đến đường Trường Sơn, chứng kiến xe ô tô nối đuôi nhau không nhúc nhích, chị phải xuống bắt xe ôm để vào sân bay. “Vào đến nơi người ướt nhèm, lại trễ giờ bay, tôi phải ngồi chờ hơn hai tiếng đồng hồ ở sân bay để đi chuyến sau”, chị Huyền chia sẻ.
Các tuyến đường quanh khu vực sân bay như: Trường Sơn, Hồng Hà, Lăng Cha Cả, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Trần Quốc Hoàn… luôn chịu áp lực ùn tắc.
>>> Xem thêm video:
Xin chỉ định thầu với những công trình khẩn cấp
Trước tình hình các tuyến đường khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất ùn tắc nghiêm trọng, nhất là vào dịp cuối năm sắp tới, TP.HCM đã đề xuất triển khai đầu tư 5 dự án giao thông, trong đó có cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn trước cổng sân bay. Cầu sẽ được xây theo dạng chữ Y, lưu thông một chiều theo hướng từ đường Trường Sơn vào ga quốc nội, một nhánh vào ga quốc tế. Giai đoạn II, sẽ xây dựng hầm chui từ ga quốc nội đi ngầm dưới đường Trường Sơn sang đường Hồng Hà.
Một cầu vượt thép khác cũng được xây dựng tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp). Cầu cũng có dạng chữ Y, theo nhánh Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm. Dự án thứ ba là cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh (Q. Phú Nhuận) dài 200m. Tiếp đó, là mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình). Dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (Q. Tân Bình), chiều dài 100m. Tổng mức đầu tư 5 dự án này khoảng 1.839 tỷ đồng.
Ngày 27/9, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong việc lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công hai cầu vượt thép. “Thành phố cam kết lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện, hoàn thành công trình đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ”, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, UBND TP cũng đã chấp thuận sử dụng ngân sách đầu tư. Các dự án được triển khai đồng bộ, để kéo giảm ùn tắc giao thông quanh các cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, cái khó là vướng cơ chế triển khai các dự án.
“Đây là các dự án cấp thiết, đòi hỏi phải triển khai sớm, nếu thực hiện đúng các trình tự thủ tục về đấu thầu lựa chọn tư vấn, nhà thầu rất mất thời gian, chưa biết lúc nào triển khai”, ông Cường nói.
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/giai-cuu-cua-ngo-tan-son-nhat-cho-co-che-d171174.html