Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ngày 8/4/2016 thay thế QCVN 41:2012/BGTVT và QCVN 83:2015/BGTVT.
Quy chuẩn mới này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2016. Về cơ bản, QCVN 41:2016/BGTVT được kế thừa, bổ sung điều chỉnh trên cơ sở các quy chuẩn trước và nội dung cơ bản không khác nhiều nhưng theo hướng rõ ràng, chi tiết hơn, hạn chế và khắc phục các bất cập của quy chuẩn trước với thực tế áp dụng,…
Sau một thời gian rà soát, điều chỉnh bổ sung, QCVN 41:2016/BGTVT đã được công bố và sẽ có hiệu lực thực thi từ ngày 1/11/2016 tới đây. Theo đó, nhiều thay đổi trong quy chuẩn mới này sẽ giúp các nhà quản lý và người tham gia giao thông thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 thuận lợi hơn...
Quy định đặt biển hạn chế
Một trong những điểm mới quan trọng trong QCVN 41:2016 là quy định đặt biển hạn chế tốc độ tối đa trung gian. Theo đó “trong trường hợp chuyển tiếp từ giá trị tốc độ lớn xuống giá trị tốc độ nhỏ mà sự chênh lệch giữa hai giá trị tốc độ này lớn thì nên đặt biển hạn chế tốc độ tối đa trung gian. Đoạn chuyển tiếp trung gian được quy định là không nhỏ hơn 250m cho việc chuyển tiếp từ tốc độ 120km/h xuống 100km/h; 200m cho việc chuyển tiếp từ tốc độ 100km/h xuống 80km/h; 150m cho việc chuyển tiếp từ tốc độ 80km/h xuống 60km/h…”.
Bên cạnh đó, các kích thước, chữ viết biển báo được tăng lên phù hợp với tốc độ xe được phép lưu thông, sử dụng mẫu chữ thống nhất. Biển báo chữ nhật, hình vuông được sử dụng có viền trắng để tăng tính uy nghiêm, mỹ quan; kích thước các biển báo được điều chỉnh theo hướng tăng lên phù hợp với tốc độ khai thác cho phép; dễ quan sát, đảm bảo mỹ quan.
Đặc biệt biển báo I.423 (F,9 trong GMS) "Điểm bắt đầu đường đi bộ" là để chỉ nơi bắt đầu đoạn đường, tuyến phố dành cho người đi bộ, biển này không dùng cho các vị trí đi bộ cắt ngang qua đường.
Theo đó, hệ thống biển cảnh báo, biển chỉ dẫn cần nghiên cứu kỹ các điều kiện áp dụng, hạn chế tình trạng cắm quá nhiều biển báo. Bổ sung một số loại biển ghép và chuyển một số biển ở nhóm biển chỉ dẫn sang nhóm biển hiệu lệnh.
Được quay đầu ở biển cấm rẽ trái
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ chính thức áp dụng từ 1/11/2016 tới đây cũng có một số thay đổi về quy định với biển "Cấm rẽ trái".
Theo những gì được quy định ở Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT, biển báo cấm rẽ trái mang số hiệu 123a sẽ có tác dụng cấm các phương tiện giao thông rẽ trái và kèm việc cấm các phương tiện giao thông quay đầu xe tại điểm cắm biển báo 123a.
Tuy nhiên, theo QCVN 41:2016/BGTVT được ban hành cách đây không lâu, biển báo 123a sẽ chỉ cấm các phương tiện không được rẽ trái tại vị trí đặt biển báo và không còn điều khoản cấm các phương tiện quay đầu tại vị trí đặt biển báo nữa.
Với sự thay đổi này, người lái sẽ thuận tiện hơn trong việc thay đổi hướng đi khi gặp biển báo 123a. Tuy nhiên, khi tiến hành quay đầu tại các nút giao nhau, người lái cần chú ý quan sát kỹ tình hình giao thông để có phương án xử lý phù hợp, tránh gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
Ngoài ra, trong Quy chuẩn mới tới đây còn sự xuất hiện của biển số P.127a quy định “tốc độ tối đa cho phép vào ban đêm”. Theo quy định, biển này được “áp dụng cho một số trường hợp qua khu đông dân cư vào ban đêm nhằm mục đích nâng cao tốc độ vận hành khi đường ít xe chạy.
Đặc biệt, quy định cho phép đỗ xe “ghếch chân” trên vỉa hè cũng khiến không ít cánh tài xế, đặc biệt những người sống tại khu vực nội đô vui mừng. Nếu như trước đây, QCVN 41:2012 không quy định người điều khiển phương tiện được phép đỗ xe trên hè phố thì theo quy chuẩn mới, tại Điểm E.8a - Biển số 408a quy định rõ: “Để chỉ dẫn những nơi được phép đỗ xe một phần trên hè phố rộng, phải đặt biển số I.408a “Nơi đỗ xe một phần trên hè phố”. Xe phải đỗ từ 1/2 thân xe trở lên trên hè phố”.
Nhận định về quy định mới này, nhiều người tham gia giao thông cho rằng, quy định đã “cởi trói” cho rất nhiều chủ phương tiện, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô tại khu vực nội đô, nơi “tấc đất tấc vàng”, vốn đang thiếu nghiêm trọng diện tích dành cho giao thông tĩnh. Đồng thời, quy định này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng các phương tiện dừng, đỗ lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông.
Nguồn bài viết: http://www.tapchigiaothong.vn/nhieu-diem-moi-trong-quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-ve-bao-hieu-duong-bo-d33635.html