Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc họp
Nhiều dự án gặp khó vì thiếu vốn đối ứng
Thông tin về tình hình thực hiện 37 dự án công trình, dự án giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, lĩnh vực đường bộ có 23 dự án (TMĐT: 498 nghìn tỷ đồng), hiện đã có 12 dự án hoàn thành và 11 dự án đang thực hiện. Đối với lĩnh vựcđường sắt có 7 dự án trọng điểm (TMĐT: 192.979 tỷ đồng) đang triển khai thực hiện và một tiểu dự án đường sắt đã được đưa vào khai thác, sử dụng là tuyến đường sắt Hạ Long - Cái Lân thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Ở lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa có 4 dự án trọng điểm (TMĐT: 50.135 tỷ đồng), trong đó, dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải và dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 đã hoàn thành. Trong khi đó, lĩnh vực hàng không có 3 dự án (TMĐT: 354.057 tỷ đồng) gồm hai dự án đã hoàn thành là CHK Phú Quốc và nhà ga quốc tế T2 Nội Bài. Một dự án trọng điểm của ngành Hàng không đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư là CHK quốc tế Long Thành (TMĐT khoảng 336.630 tỷ đồng).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trong năm 2015, nhiều công trình giao thông trọng điểm gặp vướng mắc, nhất là nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA để thực hiện GPMB. “Chỉ tính riêng các dự án của Bộ GTVT hiện đang thiếu khoảng 12 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết, việc thiếu vốn đối ứng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. “Do không có tiền đối ứng GPMB, nhiều gói thầu phải dừng lại, kèm theo đó là khả năng phát sinh các khiếu kiện của nhà thầu”, Thứ trưởng Đông chia sẻ.
Kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, về cơ chế triển khai vay nguồn vốn ODA thời gian tới, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế đặc thù để thực hiện. Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn đối với Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và thông tư đối với Nghị định 30 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Thứ trưởng Trường cũng đề xuất Chính phủ xem xét thành lập quỹ đầu tư hạ tầng để phục vụ công tác đối ứng cho các dự án ODA và PPP.
“Nguồn tiền từ quỹ đầu tư còn có thể sử dụng để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập quỹ đầu tư bằng nguồn tiền thu được từ quỹ đất, dịch vụ thương mại dọc các tuyến đường và một phần vốn hỗ trợ của Nhà nước”, Thứ trưởng Trường nói.
Đề cập tới công tác GPMB, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế riêng cho các dự án giao thông. “Chúng ta không thể coi GPMB của các dự án giao thông giống như những trung tâm thương mại. Bởi nếu áp dụng chung cơ chế, chi phí GPMB của các dự án giao thông rất lớn và nó sẽ chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Do đó, Chính phủ cần xem xét để có cơ chế riêng cho công tác GPMB các dự án giao thông”, Thứ trưởng Trường đề xuất.
Chủ động đề xuất cơ chế đặc thù
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ yêu cầu các chủ đầu tư dự án rà soát, tổng hợp để đưa số liệu trong suất đầu tư công trình, chi phí GPMB chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Với mỗi con đường đi qua mỗi tỉnh, tỷ lệ đó khác nhau thế nào.
“Hiệu quả của dự án phụ thuộc rất lớn vào thời gian đưa vào khai thác. Đồng thời, nếu dự án phải thi công trong điều kiện mặt bằng xôi đỗ, rất khó đảm bảo chất lượng công trình”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói và kiến nghị Chính phủ xem xét để đưa ra các giải pháp thúc đẩy nhanh công tác GPMB cho các dự án hạ tầng giao thông. Người đứng đầu ngành GTVT cũng đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế huy động vốn cho các dự án giao thông thực hiện bằng hình thức PPP, đề nghị thành lập ban chỉ đạo đối với những dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao…
Sau khi nghe ý kiến của Bộ, ngành và các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, hạ tầng giao thông là một trong những nhân tố quyết định tạo môi trường đầu tư, môi trường phát triển đất nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận định, thời gian tới công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn đứng trước nhiều thách thức. “Thời gian qua, công tác đầu tư các dự án giao thông bằng hình thức BOT đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng cũng đang đứng trước một số khó khăn. Bởi nguồn vốn của dự án BOT chủ yếu từ ngân hàng, nếu ngân hàng không có vốn, các dự án BOT sẽ rất khó khăn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tập trung quyết liệt, vừa thực hiện các công việc đã làm đồng thời phải tạo ra các cơ chế, chính sách mới để huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA phối hợp chặt với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai các dự án. Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục tăng cường chỉ đạo các chủ thể tham gia thực hiện dự án: Chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn trong triển khai công trình phải đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng. “Đặc biệt là phải đảm bảo hiệu quả của dự án, chống tình trạng thất thoát lãng phí xảy ra”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Cùng đó, Bộ GTVT cần chủ động đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trong đó, tập trung chủ yếu vào cơ chế huy động nguồn lực để giải quyết các vướng mắc và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tham gia đầu tư. Bộ GTVT cần nghiên cứu cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, vào đường cao tốc, đặc biệt là hai đơn vị là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và Cửu Long CIPM cần có cơ chế riêng.
Đối với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải rà soát lại các thủ tục, quy định liên quan đến các công tác đầu tư xây dựng. Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án giao thông, để từ đó cân đối khả năng bố trí vốn của ngân sách và có kế hoạch huy động thêm nguồn lực ngoài xã hội. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính giải quyết những vướng mắc trong công tác giải ngân, tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án ODA.
"Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải thực hiện quyết liệt việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án giao thông sử dụng vốn vay ODA. Nguồn vốn ngân sách hiện khó khăn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính cần nghiên cứu cơ chế, thậm chí có thể xem xét dùng nguồn tiền từ vốn cổ phần hóa doanh nghiệp”. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng.
Theo Đình Quang - báo www.baogiaothong.vn