Nhóm tác giả thực hiện công trình cầu Hàm Luông được Giải thưởng Nhà nước lần thứ 5 |
Những cái nhất ở cầu Hàm Luông
Gặp lại nhóm tác giả thực hiện công trình cầu Hàm Luông những ngày trước Tết, nét mặt ai cũng rạng rỡ khi chuẩn bị đón một mùa Xuân mới với niềm vui khó tả. Từ Hà Nội trở về sau khi được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trực tiếp trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, ông Nguyễn Như Thạo, nguyên Phó tổng giám đốc Ban QLDA7, vẫn còn cảm xúc lâng lâng. Bao nhiêu năm gắn bó với ngành GTVT, tham gia xây dựng hàng chục công trình cầu đường, nhận không ít giải thưởng, nhưng ông Thạo chia sẻ Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ông và cả nhóm.
Nhớ lại thời gian làm cầu Hàm Luông, ông Thạo cho biết, chưa một công trình cầu nào mà có kỷ lục nhiều cái nhất như ở đây. Đầu tiên là công tác GPMB được thực hiện chỉ trong 4 tháng. Về công nghệ là đúc hẫng cân bằng vượt khẩu độ lớn đạt 150m đầu tiên. Kỷ lục về thi công vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch.
"Đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mỗi chúng tôi, là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục phấn đấu và cống hiến, tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình cầu, đường khác góp phần vào sự phát triển KT-XH của đất nước." Ông Nguyễn Thái Hà |
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc quản lý dự án (Ban QLDA 7), còn cho biết, cầu Hàm Luông là công trình có giá trị cao về mặt KH&CN vì đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới tiêu biểu. Trước tiên là về khẩu độ nhịp chính, kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng trước đó cũng đã thi công một số công trình. Đối với dự án cầu Hàm Luông, khẩu độ nhịp chính là 150m, đã đạt kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam về khẩu độ dầm hộp thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, từ đó một lần nữa khẳng định khả năng làm chủ về mặt thiết kế và công nghệ của tư vấn trong nước.
Tiếp theo là việc sử dụng cáp dự ứng lực ngoài. Các dự án trước đây, việc sử dụng cáp dự ứng lực ngoài có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật như cáp dự ứng lực trong nên sau một thời gian sử dụng đã phát sinh nhiều nhược điểm. Tại cầu Hàm Luông, lần đầu tiên ứng dụng công nghệ cáp dự ứng lực ngoài với 5 tầng bảo vệ nên đã khắc phục các hạn chế của thế hệ cáp trước đó, giúp làm giảm kích thước dầm cầu, tiết kiệm vật liệu thi công, tạo sơ đồ chịu lực phù hợp cho kết cấu nhịp, cho phép thay thế dễ dàng.
Công nghệ thi công bê tông khối lớn cũng là một giải pháp quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công của công trình. Ngoài ra, việc áp dụng vữa bơm với áp lực cao đã làm tăng đáng kể khả năng chịu lực cho cọc khoan nhồi đường kính 2m.
Các kỹ sư thuộc Ban Quản lý Dự án số 7 trao đổi về mô hình thiết kế công trình cầu Hàm Luông |
Lội bùn tìm chỗ xây cầu
Cầu Hàm Luông giờ là cầu nối huyết mạch trên tuyến QL60 từ Bến Tre về Trà Vinh. Sau khi cầu xây xong, cuộc sống người dân hai bên đó có sự đổi đời, sung túc hơn rất nhiều. Thế nhưng mấy ai biết được để xây dựng nên một cây cầu vững chãi như vậy là một kỳ tích. Ông Nguyễn Như Thạo vẫn còn nhớ như in những ngày tháng đích thân ông cùng với những cán bộ kỹ sư của Ban QLDA 7, tư vấn thiết kế lội bùn tìm về nơi xây cầu Hàm Luông hiện hữu. Bởi lúc đó xung quanh khu vực này dân cư rất thưa thớt, người dân sống chủ yếu bằng làm vườn, trồng dừa, sơ-ri… rất khó khăn. Khu vực giáp bờ sông địa chất rất yếu, toàn bùn lầy, cán bộ kỹ thuật phải lội xuống, có đoạn sâu đến thắt lưng nhưng cũng phải ngâm mình dưới bùn cả ngày trời để đo đạc thu thập các thông số.
Ông Hà cho biết, điều kiện về địa chất thủy văn phức tạp, sông sâu nước chảy xiết, yêu cầu về kỹ thuật là xây cầu phải đáp ứng cho tàu phà sông biển lưu thông. Vì vậy, lúc đầu cũng có những ý kiến đưa ra về việc xây cầu dây văng, dàn thép. Nhưng nghiên cứu kỹ, Ban QLDA 7 thấy phương án dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật nhưng có nhiều ưu điểm hơn như: Chi phí xây dựng thấp, tận dùng tối đa vật tư, vật liệu, nhà thầu trong nước làm chủ công nghệ mà không cần đến nước ngoài.
Cầu Hàm Luông |
Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về khẩu độ nhịp chính thấy rằng, trước đây cũng đã có cầu xây dựng theo phương pháp đúc hẫng với nhịp 135m. Nhưng nếu áp dụng công nghệ cũ này thì sẽ tăng giá thành xây dựng do phải tăng số lượng trụ, số lượng nhịp. Vì vậy, tư vấn đã chọn phương án nhịp chính vượt 150m là tối ưu nhưng lại đặt ra một số vấn đề kỹ thuật như: Các ảnh hưởng phức tạp của co ngót, từ biến, nhiệt độ đến kết cấu công trình. Để giải quyết các vấn đề trên nhóm thiết kế đã đưa ra nhiều mô hình kết cấu, giải pháp kỹ thuật nghiên cứu so sánh từ đó lựa chọn phương án phù hợp nhất để áp dụng.
Với sự tâm huyết và quyết tâm cao, những cán bộ kỹ sư của Ban QLDA 7 cùng với đơn vị thiết kế, thi công, giám sát đã vượt qua những khó khăn về địa hình, địa chất bằng trí tuệ và trình độ chuyên môn cao để xây nên một cây cầu Hàm Luông vững chãi và an toàn về mặt kỹ thuật nhưng cũng đầy tính thẩm mỹ. Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần thứ 5 được trao cho nhóm thực hiện công trình cầu Hàm Luông là sự ghi nhận xứng đáng cho những cố gắng đó.