Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, dự án cao tốc Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) dài 63,37km được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, dự kiến khởi công năm 2019, cơ bản hoàn thành năm 2021. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 13.225 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 10.056 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 2.011 tỷ đồng, vốn vay khoảng 8.045 tỷ đồng) và nguồn vốn của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 3.169 tỷ đồng.
“Phần vốn của Nhà nước tham gia thực hiện dự án giảm so với mức vốn đầu tư của Nhà nước trong bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ yếu do lãi suất vốn vay giảm, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư xác định lại theo Nghị quyết 20/2017 của Chính phủ, cập nhật số liệu khảo sát, điều chỉnh một số giải pháp thiết kế, cập nhật lại khối lượng…”, văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký nêu rõ.
Theo văn bản trên, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư là 11,7%, tương đương với mức lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại 69 dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian qua theo Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 20/2017 của Chính phủ. Đối với mức phí dịch vụ, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với xe nhóm 1: 1.500 đồng/PCU/km (2021 - 2023), 1.700 đồng/PCU/km (2024 - 2026),… 3.400 đồng/PCU/km (2042 - 2046).
“Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại so với xe nhóm 1 được xác định theo hệ số tương quan giữa các nhóm xe theo hình thức thu phí lượt được quy định tại Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT, hệ số xe nhóm 2 là 1,3 lần, xe nhóm 3 là 1,7 lần, xe nhóm 4 là 2,7 lần và xe nhóm 5 là 3,8 lần”, Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Đánh giá về hiệu quả tài chính, tính toán của Bộ GTVT cho thấy, giá trị hiện tại ròng khoảng hơn 125 tỷ đồng, tỷ suất nội hoàn khoảng 8,72%, dự án khả thi về hiệu quả tài chính, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án khoảng 24 năm. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước khoảng 3.154 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 13.225 tỷ đồng để chi cho công tác GPMB, tái định cư khoảng 1.894 tỷ đồng; hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình để đảm bảo khả thi về tài chính khoảng 1.054 tỷ đồng; chi phí công tác tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán, tư vấn kiểm định chất lượng trong quá trình thi công của cơ quan Nhà nước, chi phí của ban QLDA thuộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chi phí rà phá bom mìn, vật nổ và chi phí khác thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là 203 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, phương án tài chính của dự án sẽ tiếp tục được cập nhật trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán được phê duyệt, làm cơ sở xây dựng hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Riêng đối với kinh phí GPMB, tái định cư chỉ được xác định chính xác trong quá trình thực hiện GPMB, tái định cư và phụ thuộc vào chính sách (thay đổi hàng năm) của các địa phương.
“Trường hợp kinh phí GPMB, tái định cư vượt giá trị 1.894 tỷ đồng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT cập nhật giá trị địa phương phê duyệt, điều chỉnh dự án thành phần GPMB, tái định cư trong tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho phép cân đối trong tổng số 55.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017”, Bộ GTVT kiến nghị.
Nguồn bài viết : http://www.baogiaothong.vn/bo-tien-dau-tu-cao-toc-mai-son--ql45-thu-phi-24-nam-d271333.html